Giấy và sản phẩm giấy của Việt Nam đã có mặt tại 16 quốc gia trên thế giới, trong đó Hoa Kỳ là quốc gia chính nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam, tuy nhiên tốc độ xuất khẩu sang Hoa Kỳ lại giảm, giảm 19,48%, tương đương với 58,4 triệu USD. Đứng thứ hai về kim ngạch là thị trường Nhật Bản, đạt 44,5 triệu USD, tăng 6,48%. Kế đến là thị trường Đài Loan, giảm 1,92% so với cùng kỳ, với kim ngạch ngạch 43,1 triệu USD.
Đáng chú ý, Hongkong là thị trường tiềm năng xuất khẩu mặt hàng giấy và sản phẩm của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay, bởi tốc độ xuất khẩu sang thị trường này tăng trưởng mạnh, tăng 140,86%, tuy kim ngạch chỉ đạt 6,8 triệu USD.
Nhìn chung, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu giấy và sản phẩm sang các thị trường đều có tốc độ tăng trưởng âm, số thị trường này chiếm 56,25%, trong đó xuất khẩu sang thị trường Thái Lan giảm mạnh nhất, giảm 45,07%, tương đương với 4,5 triệu USD, kế đến là Trung Quốc giảm 64,82%; chiều ngược lại, số thị trường có tốc độ tăng trưởng dương chỉ chiếm 43,75%.
Thống kê sơ bộ của TCHQ về thị trường xuất khẩu giấy và sản phẩm 7 tháng 2015
Trong khi xuất khẩu giảm thì tình hình nhập khẩu giấy lại có dấu hiệu tăng. 7 tháng đầu năm nhập khẩu sản phẩm từ giấy tăng 31,2%, và giấy các loại tăng 7,1% về lượng và tăng 1,9% về trị giá.
Những con số này đã vẽ lên viễn cảnh không mấy sáng sủa của ngành giấy trước các Hiệp định Thương mại tự do (FTA).
Bên cạnh những khó khăn nội tại, vấn đề ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu căn cứ theo Điều 58, Nghị định 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ cũng khiến ngành giấy đang đau đầu. Hồi cuối tháng 7/2015 vừa qua, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) đã phản ánh lên Bộ Công Thương về vấn đề này.
VPPA cho biết doanh nghiệp trong ngành giấy có sản lượng thấp nhất cũng phải nhập 1.000 tấn/tháng (2 lô), tương ứng số tiền ký quỹ 800 triệu/tháng. Tính bình quân, doanh nghiệp sản xuất giấy nhập khẩu 2.500 tấn/tháng, số tiền ký quỹ là 2 tỷ đồng. Doanh nghiệp sản xuất giấy ký quỹ nhiều nhất là 8 tỷ đồng (10.000 tấn/tháng).
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VPPA, cho rằng trong bối cảnh các doanh nghiệp đều thiếu vốn lưu động, việc ký quỹ một khoản tiền lớn (ít nhất cũng gần 1 tỷ đồng) hàng tháng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. VPPA đề nghị, nếu cần phải ký quỹ thì mức ký quỹ 5% giá trị lô hàng nhập khẩu là mức có thể chấp nhận.
Hiện nay, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đòi hỏi các doanh nghiệp ngành giấy phải có những nỗ lực để thay đổi nếu muốn tồn tại và phát triển. Đáng chú ý nhất đối với ngành giấy là việc ký kết thành lập Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) vào cuối năm nay và đến năm 2018, thuế suất nhập khẩu các mặt hàng giấy và sản phẩm từ giấy từ các nước trong khối về 0%.
Đây sẽ là nguy cơ thách thức lớn đối với ngành giấy trong nước vì có đến 50% lượng giấy của Việt Nam được nhập khẩu từ ASEAN. Các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của hàng nhập khẩu, đặc biệt là ở các phân khúc giấy cao cấp.
Thực tế cho thấy, trong năm 2014, nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, chờ sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như những biến động tích cực hơn của thị trường.
Điều đó đòi hỏi ngành giấy cần tăng cường đầu tư chiều sâu, nâng cấp dây chuyền sản xuất hiện có, đồng thời đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất bột giấy và giấy mới, có công nghệ hiện đại nhằm tăng sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp giấy cũng cần có phương án giảm sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Một vấn đề quan trọng nữa là cần các nguyên tắc của thương mại quốc tế, các cam kết mà Việt Nam đã đưa ra trong quá trình hội nhập để ngành giấy xác định lại chiến lược sản xuất của mình.
Nguồn: Bộ Công Thương